Với các cầu thủ Yemen mà nói, thắng hay thua Việt Nam không quá quan trọng. Được chơi bóng với họ đã là niềm hạnh phúc, thay vì bươn chải kiếm sống ở quê nhà và đối diện với hiểm nguy rình rập.
Khi các cầu thủ Yemen bước ra Sharjah để đối đầu với Iraq, mà sau 90 phút sẽ thất bại 0-3, những người hâm mộ họ ở quê nhà đang túm tụm quanh những chiếc điện thoại. Tất cả cố không bỏ lỡ khoảnh khắc nào của trận đấu bằng việc dán mắt vào màn hình nhỏ xíu. Bình luận bằng tiếng Tây Ban Nha và họ đương nhiên chẳng hiểu gì, nên càng phải cố tập trung.
Không có đài truyền hình nào của Yemen mua bản quyền phát sóng Asian Cup 2019 , mặc dù đây là lần đầu tiên đất nước này góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực. Xem qua kênh BeIN Sports cũng là một lựa chọn. Nhưng mức phí 400 USD cao đến mức phi lý, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Từ năm 2015 tới nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Yemen bùng phát thành nội chiến giữa chính phủ Hadi và phiến quân Houthi, nhấn chìm quốc gia vốn đã nghèo nhất Trung Đông. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, có tới 21 trong tổng số 27,5 triệu dân Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Nạn đói và dịch bệnh tràn lan, trong khi khắp nơi đều là đống đổ nát.
Bóng đá Yemen vẫn tồn tại, nhưng lay lắt bởi tài chính bị cắt giảm, cơ sở vật chất bị tàn phá và nỗi đe dọa bạo lực. Giải bóng đá quốc nội đã ngưng, song một số CLB vẫn tổ chức các trận giao hữu nhỏ lẻ. Hồi giữa năm ngoái từng xuất hiện clip ngắn, trong đó chỉ vài người hâm mộ ngồi trên những chiếc ghế nhựa bẩn thỉu để xem một trận đấu, trên đầu là tên lửa thắp sáng cả bầu trời.
Vậy mà kỳ diệu thay, đội tuyển quốc gia Yemen lại làm nên điều không tưởng khi lọt vào VCK Asian Cup 2019, sự kiện chưa từng có trong lịch sử.
Nhưng tình hình ở Yemen ngày càng tồi tệ hơn khiến công tác chuẩn bị cho giải đấu thực sự khó khăn. Ngoại trừ 11 cầu thủ may mắn chơi bóng ở nước ngoài, những người còn lại đã không chơi các trận đấu ở cấp độ CLB trong suốt 4 năm qua. Thay vào đó, họ phải bươn chải để kiếm sống.
Ví dụ như tiền vệ Fouad Al Omeisi thú nhận, chỉ chơi 3 trận đấu cạnh tranh trong năm 2018, đồng thời khoản tiền trợ cấp đi lại quá ít ỏi, không đủ cho những lần ghé thăm phòng gym để duy trì thể trạng. Một người khác kiếm được 6 USD mỗi ngày nhờ vào việc lái xe bus, qua đó có kinh phí để tự tập luyện.
“Tôi phải tính làm một cái gì đó khác để có tiền”, Ammad Amr Talal, người từng tham gia chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019 nói, khi đang tập ở bãi rác thải bụi cùng Al-Tilal, một trong những câu lạc bộ lớn nhất của Yemen, “Có lẽ tôi sẽ gia nhập quân đội”.
Vào quân đội là một lựa chọn, nhưng rất rủi ro. Nhiều cầu thủ đã chết, trở thành một trong 6.800 nạn nhân của cuộc nội chiến ở Yemen. Những người khác có thể chạy taxi, nhân viên giao hàng hoặc làm việc ở siêu thị. Tuy vậy, nguy hiểm vẫn rình rập họ. Hồi ở vòng loại, một cầu thủ đã bị nhóm cực đoan bắt cóc khi anh ta trên đường trở về nhà. May là anh ta đã được thả, khi chúng biết chẳng xơ múi được gì, sau hành trình dài 2 ngày qua những khu vực nóng bỏng nhất nước.
Sự khan hiếm về tài chính khiến HLV Abraham Mebratu bỏ việc chỉ sau 3 tháng. Jan Kocian được bổ nhiệm sau đó. Nhưng ông này cương quyết không tới Yemen và chỉ làm việc với đội bóng ở bên ngoài đất nước, như Arabia Saudi, nơi đội tuyển tập trung để chuẩn bị cho giải đấu ở UAE.
Có thể Kocian sẽ không gắn bó với Yemen lâu. Nhưng cũng giống như các cầu thủ đang cố thể hiện ở Asian Cup nhằm kiếm được bản hợp đồng với các CLB nước ngoài, chiến lược gia người Slovakia coi đây là một cơ hội.
“Tôi biết Yemen là đội yếu nhất bảng”, Kocian nói, “nhưng trong bóng đá, một đội bóng nhỏ cũng có thể mơ về chiến thắng lớn. Chúng tôi ở đây chỉ để chứng minh năng lực bản thân”.
Vào thứ Tư, những người dân Yemen sẽ lại túm tụm quanh chiếc điện thoại và tìm kiếm khoảng thời gian tuyệt vời cùng bóng đá, quên đi những âu lo bủa vây. Thắng hay thua Việt Nam , đối với họ thực sự không quá quan trọng.