Ngay trong buổi tập đầu tiên với Incheon United, HLV Yoo Sang-chul đã ngạc nhiên hỏi cả đội: “Trong đội không có phiên dịch viên Tiếng Việt à? Tôi cần phải nói chuyện với Công Phượng”.
1. Câu trả lời cho câu hỏi của ông Yoo hẳn nhiên là: “Không”. Và đến bây giờ, hoàn toàn có thể tin rằng sự “giao tiếp” mà HLV Yoo Sang-chul nhắc đến khi nhận xét về Công Phượng chính là trở ngại về ngôn ngữ mà tiền đạo người Việt này mắc phải khi trao đổi với Ban huấn luyện, cũng như các đồng đội ở đội bóng Hàn Quốc này.
Trước đây, Incheon United từng đăng tải thông tin tuyển dụng thông dịch viên tiếng Việt, dĩ nhiên là để hỗ trợ cho Công Phượng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp.
Người ta nói, bóng đá có thứ ngôn ngữ riêng để các cầu thủ trên sân có thể giao tiếp được với nhau, cũng như HLV truyền đạt ý đồ chiến thuật cho cầu thủ. Hơn thế nữa, Công Phượng biết tiếng Anh, do đó nếu để giao tiếp đơn thuần, cũng như nắm bắt phần nào chỉ đạo của các HLV, tiền đạo người Đô Lương sẽ không quá khó khăn. Nhưng với Công Phượng, mọi chuyện có vẻ không đơn giản như thế.
Thứ nhất, không mấy khó khăn để nhận ra rằng thứ tiếng Anh mà Công Phượng sử dụng mang đậm chất Việt Nam, với cách dùng khá “giật cục”, kèm theo đó là khẩu âm đậm chất Việt. Thứ tiếng Anh đó, để giao tiếp một cách “đơn sơ”, kèm theo “ngôn ngữ cơ thể” thì không quá khó khăn để hiểu, nhưng với những giao tiếp mang tính chuyên môn sâu, chắc hẳn không dễ dàng gì để Công Phượng, Ban huấn luyện lẫn các cầu thủ năm bắt trọn vẹn ý đồ giao tiếp của nhau.
Thứ hai, bản thân lối đá của Công Phượng và các cầu thủ Incheon United, cũng như lối chơi mà các HLV Incheon United áp dụng ở K.League rõ ràng có “độ chênh” nhất định. Để tìm được “tiếng nói chung”, thì thứ tiếng Anh bập bẹ của cả Công Phượng lẫn cầu thủ, HLV người Hàn Quốc là không đủ để hiểu nhau, để lĩnh hội hoàn toàn ý đồ của nhau.
2. Mới đây nhất, VFF đã phải thuê lại trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa sau khi từng cắt hợp đồng với ông thầy tiếng Hàn này bởi vụ lùm xùm tiết lộ thông tin đội tuyển. Ngôn ngữ bóng đá không quá chuyên biệt, nhưng rõ ràng cần những người giỏi ngôn ngữ, yêu thích và thậm chí là có chuyên môn để có được sự truyền tải tốt nhất.
Bản thân Công Phượng cũng từng “dính phốt” với HLV Park Hang-seo ngay trước trận tranh hạng 3 Asiad 2018, khi hai thầy trò không hiểu ý nhau. Công Phượng thì tập sút chân trái để “giữ chân phải” cho trận đấu, còn HLV Park Hang-seo thì nghĩ cậu học trò giấu chấn thư.ơng, và thế là không tung anh vào sân trong trận đấu ấy.
3.Ở CLB HAGL cũng thế, ngay sau khi HLV Lee Tea-hoon được “đôn lên” chiếc ghế HLV trưởng, CLB phố Núi lập tức đăng thông tin tuyển dụng phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc, cho thấy họ đánh giá cao sự giao tiếp bằng lời nói giữa HLV người Hàn Quốc này với các cầu thủ.
Trên thế giới, không thiếu trường hợp cầu thủ chỉ cần giao tiếp khá chừng mực với Ban huấn luyện, cũng như đồng đội là có thể chơi tốt. Mới đây, đó là trường hợp Gareth Bale nhất định không chịu học tiếng Tây Ban Nha, dù chơi cho Real Madrid suốt 5 mùa giải qua.
Nhưng Công Phượng thì khác, bản thân ngôi sao được mệnh danh là “Messi Việt Nam” đã được tạo điều kiện để có thể chơi theo ý mình nhiều nhất ở HAGL. Trong lối chơi của đội bóng phố Núi, tất cả đều được vận hành xung quang Công Phượng, từ U19 đến lên V.League. Chân sút người Nghệ An không cần phải quan tâm quá nhiều đến chiến thuật, thay vào đó là luôn yên tâm rằng các đồng đội sẽ phải xoay quanh mình.
Lối chơi của HAGL và Incheon United khác nhau một trời một vực, dẫu cho suốt những mùa giải qua họ đều lận đận ở cuối bảng xếp hạng. Ở K.League 1 thiên về thể lực, tốc độ, và sự cạnh tranh cực kỳ quyết liệt đội bóng Hàn Quốc này cần rất nhiều sự toan tính, dựa nhiều vào lối chơi tập thể. Ở đó, sự giao tiếp, hiểu ý nhau giữa các thành viên đội bóng là cực kỳ quan trọng.
Trận đấu gần nhất của Incheon United, Công Phượng đã được khởi động từ hiệp 1, song rốt cuộc không được vào sân bởi theo HLV Yoo Sang-chul: “Công Phượng có vẻ khá chậm chạp và tỏ ra chưa thực sự sẵn sàng để thi đấu”.
Cần phải nhấn mạnh rằng nhà cầm quân sinh năm 1971 này đánh giá khá cao Công Phượng: “Công Phượng không hề tệ. Nhưng tôi nghĩ cậu ấy cần thời gian để điều chỉnh. Tôi nghĩ tư duy chiến thuật của Công Phượng vẫn hơi yếu. Điều đó khiến tôi suy nghĩ về việc có nên tung cậu ấy vào sân hay không”.
Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu Công Phượng có thể giao tiếp được với HLV của mình, chẳng hạn như một câu nói: “Tôi đã sẵn sàng để vào sân”. Cũng như vậy, HLV Yoo hẳn sẽ có quyết định dứt khoát hơn nếu ông chắn chắn rằng cậu học trò người Việt đã hiểu rõ rằng mình muốn gì khi tung anh vào sân. Nhưng một khi không chắc, quyết định ấy trở nên mong manh, khó nghĩ.
Giá như Incheon United quan tâm hơn đến “sợi dây thừng”, tạo nên sự liên kết mạch lạc và thấu hiểu hơn giữa Công Phượng và các đồng đội, cũng như HLV. Giá như Incheon United ngay từ đầu đã hiểu rằng kết nối về mặt chuyên môn quan trọng đến mức nào, thay vì thứ ngôn ngữ “tàm tạm” đủ để chào hỏi cổ động viên, đùa giỡn với đồng đồng đội hay để “làm đẹp” cho CLB, thì có lẽ Công Phượng đã không phải khổ sở như hiện tại.