Trước thềm vòng chung kết Asian Cup 2019, trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á chọn ra 10 cặp đấu đáng xem nhất ở vòng bảng. Một trong số đó là màn so tài giữa Việt Nam và Iraq.
UAE – Bahrain (5/1/2019): Trận đấu mở màn của giải luôn mang đến cảm xúc đặc biệt. Với tư cách là chủ nhà, tuyển UAE “khai sân” Asian Cup 2019 bằng trận đấu với Bahrain. Còn nhớ ở giải Asian Cup 2015, UAE và Bahrain từng đụng độ nhau tại vòng bảng. Kết quả, UAE giành chiến thắng 2-1 với bàn thắng của Ali Mabkhout ghi được chỉ sau 14 giây.
Hàn Quốc – Philippines (7/11/2019): Trong lần đầu tiên dự Asian Cup 2019, tuyển Philippines đụng độ thử thách khó nhằn ở trận ra quân là tuyển Hàn Quốc, đội bóng từng 2 lần vô địch Asian Cup và là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vương năm nay. Đội bóng xứ kim chi không có sự phục vụ của ngôi sao sáng nhất Son Heung-min, song vẫn ở đẳng cấp khác biệt so với đoàn quân do HLV Sven Goran-Eriksson dẫn dắt.
Việt Nam – Iraq (8/1/2019): Ở kỳ Asian Cup 2007, tuyển Việt Nam dừng bước từ vòng tứ kết vì thua Iraq 2-0. Sau đó, Youni Mamoud cùng các đồng đội thẳng tiến đến chức vô địch. Sau 11 năm, tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo trở lại sân chơi đỉnh cao của bóng đá châu Á. Cái duyên đưa tuyển Việt Nam gặp lại Iraq ở vòng bảng. Nếu giành được 1 điểm trước Iraq, nhà vô địch của AFF Cup 2018 rộng cửa tiến vào tứ kết. Ảnh: Thuận Thắng.
Nhật Bản – Turkmenistan (9/1/2019): Nhật Bản là đội tuyển giàu truyền thống nhất ở sân chơi Asian Cup 2019 khi từng nâng cao cúp vô địch 4 lần. Sau thất bại ở Asian Cup 2015, “Samurai xanh” quyết tâm trở lại đỉnh cao châu Á. Tuyển Nhật Bản chơi trận ra quân gặp Turkmenistan. Để đảm bảo vị trí số 1 ở bảng F, đội bóng xứ mặt trời mọc phải giành trọn 3 điểm trước Turkmenistan.
UAE – Ấn Độ (10/1/2019): Sau 8 năm vắng bóng, đội tuyển Ấn Độ mới trở lại Asian Cup. Giống tuyển Trung Quốc, quốc gia có dân số nhiều thứ 2 thế giới không được đánh giá cao ở khía cạnh bóng đá. Tuyển Ấn Độ sẽ vất vả vượt qua bảng A với sự góp mặt của Bahrain, Thái Lan và chủ nhà UAE. Trước thềm Asian Cup, báo chí Ấn Độ tiết lộ rất đông cổ động viên muốn sang UAE cổ vũ cho đội nhà. Vì điều này, 4 góc khán đài ở trận UAE – Ấn Độ hứa hẹn tạo nên bầu không khí sôi động.
Uzbekistan – Turkmenistan (13/1/2019): Kỳ Asian Cup 2004 là lần gần nhất các CĐV có dịp chứng kiến trận “Derby Trung Á” giữa Uzbekistan và Turkmenistan. Sau 15 năm, những lá thăm may rủi đưa hai đội nằm cùng bảng F. Thời điểm này, tuyển Uzbekistan được giới chuyên môn đánh giá cao hơn, song các cầu thủ Turkmenistan vẫn là “ẩn số” không thể bị xem thường.
Australia – Syria (15/1/2019): Đội tuyển Australia bước vào Asian Cup 2019 với vị thế là nhà đương kim vô địch. Australia sẽ chơi trận cuối cùng ở vòng bảng gặp Syria. Trận đấu ở vòng loại World Cup 2018 hồi tháng 10/2017 là lần gần nhất tuyển Australia có dịp đối đầu Syria. Kết quả, đội bóng xứ chuột túi đánh bại Syria 3-2 sau hiệp phụ.
Hàn Quốc – Trung Quốc (18/1/2019): Hàn Quốc và Trung Quốc là hai đội tuyển mạnh nhất của bảng C. Nhiều khả năng màn so tài giữa hai đội ở lượt trận cuối của vòng bảng sẽ quyết định vị trí số 1. Lần gần nhất hai đội gặp nhau tại vòng bảng Asian Cup diễn ra ở thời điểm cách đây 19 năm. Khi đó, Trung Quốc xuất sắc cầm hòa Hàn Quốc 2-2.
Iran – Iraq (17/1/2019): Cả Iran lẫn Iraq đều có đẳng cấp và kinh nghiệm vượt trội so với 2 đối thủ còn lại ở bảng D là Việt Nam và Yemen. Chính vì vậy, mục tiêu là Iran và Iraq hướng đến nằm ở vị trí nhất bảng để có lợi thế tại tứ kết. Lượt trận cuối, 2 đội sẽ quyết đấu nhau. Ở thời điểm này, Iran là đội được đánh giá cao hơn vì có suất dự World Cup 2018 và giữ vị trí 29 trên bảng xếp hạng FIFA – thành tích tốt nhất của châu Á lúc này.
Saudi Arabia – Qatar (17/1/2019): Sau 19 năm, những người láng giềng ở khu vực Tây Á mới chạm mặt nhau tại vòng bảng Asian Cup 2019. Saudi Arabia đã khẳng định sức mạnh ở châu Á bằng việc giành vé dự World Cup 2018. Trong khi đó, tuyển Qatar mang đến Asian Cup 2019 đội hình trẻ giàu tiềm năng nhằm chuẩn bị cho World Cup 2022.
Đối thủ của tuyển Việt Nam tại vòng bảng Asian Cup 2019. Đồ họa: Minh Phúc.