Nếu không đá bóng, các tuyển thủ ĐT Việt Nam sẽ làm gì? Người cuối cùng thà thất nghiệp còn hơn

Không chỉ thể hiện khả năng chơi bóng thần sầu trên sân cỏ, mà trong cuộc sống của các tuyển thủ Việt Nam cũng có sở trường riêng và định hướng công việc rõ ràng khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ.

Công Phượng: Kinh doanh cafe

Tiền đạo Công Phượng đã trở thành “ông chủ” đúng nghĩa, khi anh và một vài người bạn cùng hùn vốn mở một quán cafe. Đây là quán cafe mà Công Phượng là một trong những chủ sở hữu, với mục đích kinh doanh và đó cũng là nơi để anh gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với người hâm mộ. Sau khi quán khai trương và người ta biết đó là của Công Phượng, cafe CP10 đã đón một lượng khách đến rất lớn. Đây rõ ràng là tin vui với cầu thủ xứ Nghệ.

Thực ra, Công Phượng chỉ đứng tên và kinh doanh “thương hiệu” mang tên mình, còn công việc quản lý, thu chi đều phụ thuộc vào người đồng sở hữu. “Tập luyện rồi thi đấu quanh năm, nên thi thoảng tôi mới ghé thăm quán. Mọi công việc quản lý đều do người khác đảm nhiệm. Đã làm ăn với nhau thì có chữ “Tín” và sự rõ ràng nên tôi hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào quán. Trước mắt tôi chưa nghĩ đến chuyện lợi nhuận, chỉ mong thu hồi vốn và có lượng khách ổn định. Quán cũng là nơi tôi gặp gỡ những người mến mộ mình và kết nối những người thích HAGL. Tôi cảm thấy vui vì điều đó”, Công Phượng thổ lộ.

Ảnh Internet

Khi được hỏi, liệu có nhân rộng mô hình hay mở rộng chuỗi quán hay không, Công Phượng chia sẻ: “Trước mắt vậy đã, tôi còn tập trung chơi bóng. Công việc kinh doanh chỉ là nghề tay trái. Tất nhiên, nếu mọi thứ thuận lợi thì tôi cũng muốn làm thêm để tăng thu nhập và xem nó như niềm vui ngoài bóng đá”.

Công Phượng không chỉ đá bóng hay mà còn rất biết kinh doanh thương hiệu “CP10”. “CP10 Coffee” có thể là khởi đầu trong số những ý tưởng của tiền đạo này. Vậy nên, đừng lạ nếu người ta gọi anh bằng cái tên “ông chủ Phượng” khi khát khao kiếm tiền từ kinh doanh cũng không kém gì khi đá bóng.

Thủ môn Đặng Văn Lâm: Người mẫu thời trang

Sở hữu chiều cao 1,88m, gương mặt điển trai và body sáu múi chuẩn như người mẫu là những gì mà người ta nói về chàng thủ môn Đặng Văn Lâm. Có thể nói sau mùa giải AFF thành công vừa qua cái tên của anh được tìm kiếm nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông.

Không chỉ có phong độ thi đấu xuất sắc, góp phần đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch, thủ môn mang 2 dòng máu Việt – Nga còn thể hiện gu thời trang cực chất trong cuộc sống thường ngày. Không nói chua ngoa, nếu không là một cầu thủ thì anh có thể sẽ rất thành công với vai trò người mẫu.

Ảnh Internet

Với phong cách ăn mặc trẻ trung năng động, Đặng Văn Lâm nếu không theo nghiệp người mẫu thì cũng thật uổng phí. (Ảnh: Instagram NV)

Ngoài ra, trong những lần tham gia sự kiện hay xuất hiện trước công chúng, Văn Lâm cũng gây ấn tượng mạnh bởi phong thái lịch lãm, gương mặt lạnh lùng chẳng kém gì một người mẫu chuyên nghiệp. (Ảnh: Instagram NV)

Quế Ngọc Hải: Gương mặt của nhiều thương hiệu

Nếu trước kia Công Phượng được mệnh danh là gương mặt thương hiệu, thì hiện tại có lẽ danh hiệu ấy nay đã thuộc về Quế Ngọc Hải. Trung vệ người xứ Nghệ liên tiếp nhận quảng cáo từ các hãng giày, game, nước tăng lực… Gói quảng cáo gần nhất của Quế Ngọc Hải theo tìm hiểu rơi vào khoảng gần 400 triệu đồng. Đó là một con số mơ ước với bất kỳ cầu thủ Việt nào ở hiện tại. Theo đó, tổng thu nhập quảng cáo của Quế Ngọc Hải trong năm 2017 có thể bằng mức lót tay của một cầu thủ có chất lượng khá ở V.League.

Ngoài ra, không phải ai cũng biết là Quế Ngọc Hải từng được không ít lời mời quảng cáo lên đến tiền tỷ. Tuy nhiên, trung vệ người xứ Nghệ bận thi đấu nên không thể tham gia. Có thể nói, Quế Ngọc Hải có lượng fan “khủng”, khuôn mặt điển trai, răng khểnh rất duyên đang là “ông vua quảng cáo” của bóng đá Việt hiện nay.

Ảnh Internet

Quế Ngọc Hải là đội phó của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 nhưng anh lại đeo băng đội trưởng gần hết giải đấu do Văn Quyết không thi đấu trong phần lớn thời gian. Trở thành thủ lĩnh tinh thần của toàn đội, Hải đã vượt qua nỗi ám ảnh về những sai lầm từng mắc ở các kỳ AFF Cup trước, anh chơi điềm tĩnh, chắc chắn hơn, cùng Đình Trọng, Duy Mạnh tạo nên tấm lá chắn thép nơi hàng thủ Việt Nam.

Trọng Hoàng: Không đá bóng sẽ làm chiến sỹ công an

Trong các cầu thủ xứ Nghệ tham gia giải AFF Cup 2018, Nguyễn Trọng Hoàng (SN 1989, trú tại TP Vinh, Nghệ An) là người trở về quê sớm nhất. Mục đích là để có thời gian gặp người vợ mới cưới, ăn mừng cùng đồng đội cũ trong CLB Sông Lam Nghệ An và trở về quê ở huyện Nam Đàn để thắp hương báo cáo tổ tiên.

Ảnh Internet

Ông Nguyễn Trọng Hường, bố cầu thủ Trọng Hoàng từng làm việc trong ngành công an. Người chị gái của Hoàng cũng vinh dự đứng vào hàng ngũ an ninh Công an tỉnh Nghệ An. Vì vậy, lúc đầu gia đình mong muốn tuyển thủ này cũng theo nghiệp gia đình. Theo ông Hường, gia đình chỉ có thể định hướng công việc tốt nhất cho con, nhưng việc quyết định thì cả nhà tôn trọng Hoàng. Điều này là việc làm tốt nhất của một người bố dành cho con trai.

Duy Mạnh: Ngoài bóng đá sẽ thử sức với kinh doanh

Trong mùa giải AFF Cup 2018 vừa qua, Duy Mạnh đã thi đấu rất xuất sắc tại vị trí trung vệ, có những pha cản phá kịp thời, dứt khoát để bảo vệ khung thành đội nhà.

Ảnh Internet

Ngoài sân bóng, giống với đàn anh Anh Đức, Duy Mạnh cũng có niềm yêu thích với công việc kinh doanh. Trước đây, Duy Mạnh đã từng thử sức với kinh doanh online cùng bạn gái khi mở một cửa hàng đồ ngủ trực tuyến. Cửa hàng của cặp đôi buôn bán đủ các loại quần áo ngủ dành cho nam, nữ và trẻ em.

Anh Đức: Thành công với lĩnh vực kinh doanh thời trang

Sinh năm 1985, tiền đạo Nguyễn Anh Đức là người lớn tuổi nhất trong đội hình của HLV Park Hang Seo mùa giải AFF Cup 2018. Sát cánh cùng thế hệ đàn em đầy tài năng và nhiệt huyết, Anh Đức đã chứng tỏ “gừng càng già càng cay” khi luôn duy trì tốt phong độ trên sân cỏ, đặc biệt là cú ghi đẳng cấp vào lưới đội bạn Malaysia trong trận chung kết lượt về.

Chứng kiến rất nhiều cầu thủ đàn anh vật lộn tìm nghề sống mưu sinh sau khi treo giày, Anh Đức muốn sớm khởi đầu cho sự nghiệp kinh doanh hòng thiết lập một nền tảng tài chính vững vàng và mối làm ăn truyền thống khi bản thân anh từ giã sân cỏ. Mặt khác, bản thân tiền đạo này cũng mong muốn trở thành một doanh nhân nên khát vọng mở công ty thôi thúc từ rất sớm. Cuối cùng, một cửa hàng bán dụng cụ thể thao được khai trương cách đây 8 năm và đó là viên gạch đầu tiên để xây dựng lên tổ hợp kinh doanh của Anh Đức bây giờ. Ngay sau đó, vợ chồng Anh Đức cũng khai trương một nhà hàng ở Thủ Dầu Một.

Ảnh Internet

Chỉ trong vài năm tiếp theo, Anh Đức đã nới rộng công việc kinh doanh hơn nữa với nhiều chi nhánh, đại lý cửa hàng trải dài từ Bình Dương cho đến TP.HCM. Các trang phục, giày thể thao ở xưởng của anh cũng được phân phối đi hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, hiện tại tiền đạo Anh Đức còn là chủ của một số dãy trọ cho thuê và khách sạn, spa tại Bình Dương. Ngoài ra, anh còn mở cửa hai sân bóng mini của riêng mình và là đồng sở hữu một nhà hàng tại quê nhà cùng với gia đình vợ.

Có thể thấy, không chỉ thể hiện khả năng chơi bóng thần sầu trên sân cỏ, mà trong cuộc sống của các tuyển thủ Việt Nam cũng có sở trường riêng và định hướng công việc rõ ràng khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. NHưng dù mỗi người có một lựa chọn riêng không ai giống ai, nhưng trên sân cỏ thì họ lại có mục tiêu chung vô cùng lớn đó là sự nhiệt huyết cháy bỏng, khao khát chiến thắng và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Đình Trọng: Sẽ chỉ là bóng đá, không yêu thích 1 công việc nào khác

Trong mùa giải AFF Cup 2018 vừa qua, để có những pha đi bóng sang sân đối phương, đoàn quân áo đỏ cũng cần phải có những người hùng thầm lặng nơi tuyến dưới. Trần Đình Trọng chính là 1 người hùng như thế, là cái tên sáng nhất ở vị trí chốt chặn trước khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm.

Chú Trần Văn Hùng, bố ruột Trọng, là một người khó tính. Không giống vợ mình, là cô Nguyễn Thu Hương, chú Hùng ban đầu không thích con trai theo nghiệp “quần đùi, áo số”. Trọng thích bóng, mê bóng là một chuyện, chuyện còn lại phụ thuộc nhiều vào gia đình.

Nhưng thế rồi Trọng vẫn cứ đi, đơn giản chỉ vì anh thích bóng đá quá.

Ảnh Internet

Trọng của ngày xưa, ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá. Nói chung là đam mê, đến nỗi không chú tâm quá nhiều vào việc học hành. Anh thường sẽ nghĩ, sau giờ học mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc chắn là chơi bóng, rồi chạy ù ra sân vận động của xã.

“Mình thích chơi bóng nên mình không tập trung học” – Trọng cười.

Giấc mơ bóng đá sinh ra và lớn lên cùng Trọng từ bé.

Đến giờ khi hỏi Trọng nếu không đá bóng thì sẽ làm gì? Trọng bối rối, vì anh không thích làm một công việc gì khác ngoài chơi bóng đá cả. Bóng đá gắn bó với anh từ bé đến lớn, trở thành sự nghiệp và cuộc sống. Có lẽ nếu không có bóng đá, Trọng là người “thất nghiệp”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan