ĐT Iraq nằm ở bảng D với Việt Nam, Iran và Yemen tại Asian Cup 2019. Đây cũng là giải đấu lớn đầu tiên Iraq vắng đội trưởng huyền thoại Younis Mahmoud.
Iraq và Younis Mahmoud gắn liền với một trong những ký ức đẹp nhất của ĐT Việt Nam: Asian Cup 2007. Giải đấu được tổ chức ở Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia năm đó chứng kiến đội quân của HLV Alfred Riedl tạo ra điều kỳ diệu khi vượt qua vòng bảng với vị trí thừ nhì sau Nhật Bản và xếp trên UAE cũng như Qatar.
Ở vòng tứ kết, giấc mơ của ĐT Việt Nam khép lại trước đội sau đó lên ngôi vô địch, Iraq với cú đúp tới từ thủ lĩnh Younis Mahmoud.
Iraq đang sa sút
11 năm sau vinh quang đó, số 10 huyền thoại của Iraq đã giã từ sự nghiệp bỏ lại đội tuyển quốc gia nước này với không một thủ lĩnh nào cả về chuyên môn cũng như tinh thần. Thành tích của Iraq sau khi Mahmoud từ giã sự nghiệp cũng đi xuống rõ rệt. Trong 20 trận từ tháng 8/2016 tới nay, thời điểm Mahmoud chia tay bóng đá, Iraq thắng 5, hòa 5, thua tới 10 trận.
Phong độ kém cỏi này kéo theo việc Iraq chỉ đứng thứ 88 trên bảng xếp hạng FIFA, hơn tuyển Việt Nam 12 bậc, kém xa Iran, đội tuyển họ từng đánh bại tại tứ kết Asian Cup 2015 (đứng thứ 29). Ngôi sao sáng nhất ĐT Iraq vẫn là hậu vệ trái Ali Adnan đang chơi bóng tại Italy cho CLB Atalanta.
Cách đây 3 năm, Ali Adnan được ca ngợi là “Gareth Bale của châu Á” khi trở thành cầu thủ Iraq đầu tiên chơi bóng tại giải đấu cao nhất Italy. Song hiện tại ở tuổi 25, Ali Adnan có dấu hiệu chững lại. Tại Serie A mùa này, Adnan mới thi đấu vỏn vẹn 3 trận. Lần gần nhất Adnan ra sân là câu chuyện của tháng 9. Trong 9 trận gần nhất của Atalanta tại Serie A, Adnan đều bị giam trên ghế dự bị.
Ngôi sao chạy cánh trái Justin Meram cũng là một cái tên đáng chú ý khác. Cầu thủ đã có hơn 200 trận tại giải MLS ở tuổi 30 vẫn là nhân tố chính của CLB Columbus Crew. Dẫu vậy, phong độ của Meram là không tốt. Anh chỉ có 1 bàn cho Columbus Crew trong mùa vừa rồi.
Ahmed Yasin, cầu thủ từng được mệnh danh là “Ronaldo Iraq” là một cái tên nổi danh khác. Tuy nhiên, giống với Ali Adnan và Justin Meram, Yasin đang chơi ngày một tệ đi so với những kỳ vọng từng được đặt vào anh. Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2018, Yasin đã chuyển từ CLB AIK của Thụy Điển tới Al Khor của Qatar hòng cứu vãn sự nghiệp.
HLV trưởng ĐT Iraq hiện tại là ông Srecko Katanec, cựu thuyền trưởng ĐT Slovenia. Ông Katanec được bổ nhiệm lên chức HLV trưởng ĐT Iraq vào tháng 9/2018. Thành tích của “Những chú hổ Mesopotamia” dưới thời ông Katanec không mấy khả quan. Iraq thua Argentina 0-4 vào tháng 10, và hòa Bolivia 0-0 một tháng sau đó.
Những vấn đề của bóng đá Iraq
Trái với những suy tính thông thường rằng bóng đá Iraq bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, thực tế nói rằng bóng đá vẫn phát triển tốt tại quốc gia vùng vịnh này.
Chia sẻ với báo giới Việt Nam vào năm 2015 khi Iraq chạm trán ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018, HLV trưởng khi đó của Iraq là Yahya Alwan cho biết: “Chiến tranh chỉ xảy ra ở một số nơi. Còn giải bóng đá của Iraq diễn ra ở nơi khác yên bình và không chịu ảnh hưởng gì cả. Chúng tôi chấp nhận thi đấu trên sân trung lập do Iraq vẫn còn những bất ổn.”
“Tại Iraq, các đội bóng trả lương khá tốt, các cầu thủ sẽ không phải nghĩ đến các việc khác. Họ chỉ có việc là tập luyện ở các CLB mà thôi. Với tôi, Iraq là đất nước giàu có. Người dân ở Iraq cũng cuồng nhiệt với bóng đá. Theo trí nhớ của tôi, mỗi trận đấu của Iraq có khoảng 50.000 khán giả theo dõi”, ông Alwan nói.
Bóng đá cấp độ CLB lẫn đội tuyển ở lứa trẻ của Iraq là khá tốt. Trong 3 năm gần nhất, chức vô địch AFC Cup (tương đương Europa League) đều thuộc về những CLB tới từ Iraq. Năm 2013, đội U20 Iraq lọt vào tới vòng bán kết giải U20 thế giới. Năm 2016, đội U17 Iraq vô địch châu Á, và sau đó vượt qua vòng bảng VCK U17 thế giới trước khi thua Mali.
Dẫu vậy, những vấn đề như phân biệt chủng tộc, gian lận tuổi, tham nhũng, mạng lưới tìm cầu thủ trẻ nghèo nàn và sự quan liêu trong việc làm giấy tờ lao động là những điều đang ngăn cản sự phát triển của ĐT Iraq.
Ahmed Yasin, ngôi sao của ĐT Iraq từng bị giam trên ghế dự bị, không được sử dụng vì thi đấu tại nước ngoài thay vì trong nước. Tình trang gian lận tuổi cũng tràn lan tại Iraq gây ảnh hưởng trực tiếp tới những cầu thủ trẻ khi thi đấu tại CLB. Ngoài ra sức mạnh của Iraq cũng bị ảnh hưởng khi việc nhập tịch cho những cầu thủ thường xuyên bị các cơ quan công vụ nước này làm chậm.
Sau khi thất bại tại VCK U23 châu Á hồi đầu năm, và vắng mặt tại ASIAD 2018, bóng đá Iraq cần một cú hích. LĐBĐ quốc gia vùng vịnh này tin tưởng rằng Asian Cup 2019 sẽ là thời điểm để bóng đá Iraq lấy lại vị thế vốn có.
Để làm được điều ấy, Iraq sẽ gặp bài test ngay trận ra quân bảng D khi đối mặt với ĐT Việt Nam với nòng cốt chính là đội U23 Việt Nam từng đánh bại U23 Iraq tại tứ kết VCK U23 châu Á hồi đầu năm.