Nếu xét về mặt chuyên môn, những đóng góp của Công Phượng cho Incheon United kể từ đầu mùa là không nhiều. Dù được trao cơ hội thi đấu thường xuyên song tiền đạo xứ Nghệ chưa để lại được dấu ấn nào thực sự đáng kể. Quãng thời gian mà Phượng thường xuyên được đá chính cũng là thời điểm Incheon liên tục g.ục ng.ã và dần lâm vào kh.ủng ho.ảng.
Trải qua nhiều trận được xỏ giày thi đấu, trong đó có 3 trận đá chính, Công Phượng thậm chí còn chưa có bất kỳ một pha dứt điểm nào. Điều đó cho thấy Phượng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ về mặt chuyên môn, sau khi anh từng tỏa sáng trong màu áo ĐTQG và U23 Việt Nam.
Thế nhưng, đằng sau hình ảnh nhạt nhòa và đầy bế tắc trên sân cỏ, Công Phượng lại lập một “chiến công vang dội” ở đấu trường K.League. Đó là những hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ mà Công Phượng đóng vai trò hạt nhân.
Sáng 20/4, hãng truyền thông nổi tiếng Chosun của Hàn Quốc đăng tải thông tin đáng chú ý liên quan tới Công Phượng. Bài viết này mở đầu bằng việc nhắc lại chuyện ban tổ chức giải K.League đã thông qua việc mở rộng hạn ngạch cho các cầu thủ Đông Nam Á bắt đầu từ mùa 2020.
Quan trọng hơn, Chosun đưa ra một con số làm ban tổ chức giải K.League phải “nức lòng” vì Công Phượng. Bởi sau hiệu ứng mạnh mẽ mà tiền đạo xứ Nghệ tạo ra, hiện tại đã có tới hơn 40 doanh nghiệp đang muốn đàm phán với ban tổ chức K.League để mua bản quyền giải đấu từ năm sau. Theo Chosun thì thông tin này đã được chính một lãnh đạo của ban tổ chức K.League tiết lộ tại một triển lãm truyền thông thể thao quốc tế mới được diễn ra tại Hàn Quốc.
Việc 40 doanh nghiệp muốn mua bản quyền K.League là một bước đột phá với giải. Trong tương lai, chắc chắn ban tổ chức giải đấu sẽ tìm cách thu hút nhiều ngôi sao ở khu vực Đông Nam Á nhằm tăng lợi nhuận thông qua việc bán bản quyền truyền hình.
Tờ Chosun cũng cho biết, trung bình mỗi trận đấu của Incheon kể từ đầu mùa 2019 thu hút khoảng hơn 100.000 người xem trực tiếp từ Việt Nam và tất cả đều là “xem lậu”. Đặc biệt ở trận đấu gần nhất (khi Incheon thua đội hạng Ba Cheongju), số người xem trực tiếp ở Việt Nam đã đạt con số kỷ lục lên tới hơn 400.000. Đây là điều dễ hiểu khi các CĐV muốn theo dõi Công Phượng sẽ thi đấu ra sao trong ngày ra mắt của HLV Kim Seung-yong.
Tờ Naver cũng cho rằng đã đến lúc ban tổ chức giải K.League phân phối bản quyền giải đấu ở thị trường Đông Nam Á. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn bắt nguồn từ hiệu ứng mà Công Phượng đã tạo ra.
Rõ ràng, với giải K.League thì những giá trị mà Công Phượng đang tạo ra là khó có thể đong đếm. Tuy nhiên, với người hâm mộ Việt Nam, đây là lúc mà các CĐV đang chờ đợi Công Phượng sẽ tỏa sáng trên sân cỏ, để đóng góp nhiều mặt chuyên môn thay vì chỉ là “công cụ” cho những người Hàn Quốc làm thương mại.