Nằm chung bảng với hai nhà cựu vô địch Asian Cup là Iran và Iraq, cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kết quả trước đối thủ Yemen.
Không phải Iraq, Yemen mới là đội tuyển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh tại không chỉ bảng D Asian Cup 2019, mà còn có thể là cả châu Á vào lúc này.
Bóng đá đang không thể phát triển tại quốc gia mà tờ New York Times từng miêu tả là có “tỷ lệ người chết vì đói nghèo cao hơn nhiều so với chết vì bom đạn” và hứng chịu “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử” vì cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2015.
Tuyển Yemen không thể mạnh
Trên bảng xếp hạng FIFA tháng 12/2018, đội tuyển Yemen chỉ đứng thứ 144, không chỉ thấp nhất trong số các đội tuyển có mặt tại bảng D mà còn thấp nhất trong toàn bộ 24 đội tuyển tham dự vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2019. Đây cũng là lần đầu tiên Yemen góp mặt tại VCK Asian Cup trong lịch sử.
Mốc son lớn nhất mà bóng đá Yemen từng có là việc sở hữu đội U17 tham dự VCK U17 thế giới được tổ chức vào năm 2003. Trong chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019, Yemen đã chiến đấu tuyệt vời để giành vé vòng sơ loại thứ ba sau khi đứng bét bảng ở giai đoạn 1 với chỉ 3 điểm sau 8 trận cùng hiệu số thậm tệ -15.
Việc đội tuyển Yemen góp mặt tại sân chơi Asian Cup 2019 là điều tích cực hiếm hoi tại quốc gia đang bị dày xéo bởi cuộc nội chiến này. Giải vô địch quốc gia (VĐQG) Yemen bị hoãn trong 3 năm liền do những lo ngại về các cuộc không kích có thể tấn công những địa điểm đông người. FIFA cũng cấm Yemen được tổ chức những trận đấu trên sân nhà với lý do tương tự.
Điều này kéo theo những hệ quả là các CLB Yemen gần như phải ngưng hoạt động vì đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính. Họ không đủ kinh phí trả cho đội ngũ nhân viên, cũng như các cầu thủ.
Những cầu thủ thi đấu tại Yemen phải tìm đường ra nước ngoài thi đấu, lựa chọn phổ biến là những quốc gia cũng thuộc khu vực Trung Đông như Qatar hay Iraq.
“Chiến tranh đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của chúng tôi và đều ở mức độ cao nhất. Đặc biệt là việc giải VĐQG bị hoãn trong 3 mùa liên tiếp khiến những cầu thủ chịu hậu quả nặng nề”, Husain Ghazi, tuyển thủ Yemen nhấn mạnh. Kể từ khi cuộc nội chiến Yemen nổ ra, Ghazi đã chuyển tới thi đấu cho vài CLB Iraq trước khi đang thi đấu
“Chiến tranh khiến sự nghiệp của tôi tiêu tan. Kỹ thuật, ý chí và cả tiền bạc đều biến mất. Những cầu thủ bóng đá như chúng tôi đặt toàn bộ niềm tin vào môn thể thao này vì nhìn thấy tương lai từ chúng và sẵn sàng bỏ qua bất kỳ điều gì. Chiến tranh không hề xuất hiện trong thứ tương lai ấy”, Khairi Yousef, cựu tuyển thủ đội trẻ Yemen thừa nhận.
Khairi Yousef đã rời Yemen vào hai năm trước để tới Malaysia, quốc gia hiếm hoi không bắt những người Yemen đi tị nạn phải có thị thực. Yousef giờ đang chơi bóng tại một số CLB nghiệp dư tại Malaysia.
Ghazi hay Yousef thực tế có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều cầu thủ Yemen khác. Hầu hết cầu thủ ở quốc gia Trung Đông này không thể tìm được đường sang nước ngoài thi đấu đã phải chấp nhận ở lại để sống bằng những ngành nghề khác như lái xe bus, bán hoa quả hoặc làm việc trong các siêu thị. Tệ nhất, một số đã chết. Thậm chí ngay tại nhà riêng sau những cuộc tấn công.
Sân vận động 22 May có sức chứa 30.000 chỗ tại Aden, Yemen còn bị phá hủy chỉ còn 30% hiện trạng sau một cuộc không kích bất ngờ. Một SVĐ khác là Al Meraissi của CLB Al Yarmouk bị trưng dụng thành căn cứ quân sự. Đa số những sân vận động còn lại được các CLB tại Yemen chọn cách bỏ hoang.
Cơ hội nào cho ĐT Yemen tại Asian Cup 2019?
Việc Yemen xuất hiện tại VCK Asian Cup 2019 là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của những quan chức tại quốc gia này. LĐBĐ Yemen thực tế rất may mắn mới không bị phá nát do quan hệ ngoại giao với hai lực lượng chính tạo ra cuộc nội chiến tại quốc gia này.
Việc LĐBĐ châu Á (AFC) thay đổi cách thức tổ chức vòng loại cũng giúp Yemen may mắn làm lại từ đầu sau khi thua tan nát ở vòng bảng đầu tiên trước những đối thủ như Uzbekistan, CHDCND Triều Tiên, Bahrain và đặc biệt là Philippines, đối thủ rất gần gũi với ĐT Việt Nam.
Sức mạnh của Yemen nằm chủ yếu ở tinh thần. Đội tuyển này sở hữu đội hình có quá nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại nước ngoài. Hồi tháng 10, LĐBĐ Yemen mới bổ nhiệm nhà cầm quân người Cộng hòa Czech Jan Kocian ngồi lên ghế HLV trưởng đội tuyển Yemen sau khi nhà cầm quân đưa Yemen lọt vào VCK Asian Cup 2019, ông Abraham Mebratu từ chức hồi tháng 6.
Ông Kocia chưa dẫn dắt ĐT Yemen thi đấu dù chỉ một trận. Lần cuối cùng ĐT Yemen ra sân trong năm 2018 là chiến thắng 2-1 trước Nepal hồi tháng 3. Từ đó tới nay Yemen không hề thi đấu.
Những cầu thủ của ĐT Yemen hiện vẫn giữ được cường độ tập luyện lý tưởng khi hầu hết đều chơi bóng tại Qatar, quốc gia có giải VĐQG tốt nhất trong khu vực. Song với việc thiếu cọ xát, có thể tin ĐT Yemen khó làm nên chuyện tại bảng D Asian Cup.
ĐT Yemen sẽ đối đầu với Iran trong trận ra quân, gặp Iraq ở lượt thứ hai trước khi chạm trán với ĐT Việt Nam ở lượt đấu cuối cùng.