MU sẽ đón tiếp Liverpool trên sân nhà Old Trafford vào tối Chủ nhật này trong khuôn khổ Premier League, và đây sẽ là thử thách thực sự đầu tiên của “Quỷ Đỏ” thời Ole Gunnar Solskjaer khi họ đối đầu với một đối thủ đang trong cuộc đua vô địch, dẫn dắt bởi một HLV tài ba là Jurgen Klopp.
Trong thập kỷ này Man City đã trỗi dậy và trở thành đội bóng thành công nhất của thành Manchester, khiến derby Manchester trở nên ý nghĩa hơn hẳn, bởi lần cuối derby Manchester chứng kiến sự đồng cân đồng lạng giữa hai đội ở thế kỷ XX là từ tận giai đoạn nửa sau thập kỷ 1960 và nửa đầu thập niên 1970. Tuy nhiên phải chăng derby Manchester vẫn không khốc liệt và giàu tính thù địch bằng MU – Liverpool?Cựu danh thủ Paul Scholes cách đây không lâu đã phát biểu rằng MU – Liverpool vẫn là trận đấu quan trọng nhất trong
mùa giải của MU bất chấp sự tiến bộ của Man City. “Trong vài năm nữa nếu Man City tiếp tục mạnh như hiện tại thì derby Manchester có thể sẽ vượt qua MU – Liverpool, còn lúc này tôi nghĩ chưa đến lúc”, Scholes nói.
“Không chỉ đơn thuần là chuyện giữa Liverpool với MU, mà còn là Liverpool nhắm tới kỷ lục vô địch quốc gia của MU. Chúng tôi không muốn Liverpool làm được điều đó”.
Có một thực tế là cuộc đối đầu Liverpool – MU thực sự được hình thành như ngày nay là từ thập niên 1970, khi Liverpool bắt đầu một chu kỳ thành công kéo dài 2 thập kỷ trong khi MU chìm trong sự khủng hoảng thời hậu Sir Matt Busby. Thành công của Liverpool khiến MU ghen tức, và sự tiếp tục quan tâm của dư luận Anh với MU (dù chẳng giành được mấy danh hiệu) khiến Liverpool cũng khó chịu không kém.
Sự ghen tức đã luôn song hành cuộc đối đầu MU – Liverpool. Khi Liverpool thành công vượt bậc thập niên 1970-80 thì cũng là lúc MU khô hạn danh hiệu, và khi MU thành công giai đoạn 1990 – 2013 cũng là lúc Liverpool khô hạn chức vô địch Anh. Hai chu kỳ thành công đều kéo dài khoảng 2 thập kỷ nên sự thù địch càng in sâu trong tiềm thức của các fan và những người có liên quan tới 2 CLB.
Mối thù hơn 1 thế kỷ
Đó là chưa kể tính chất thù địch mang tính lịch sử giữa hai thành phố bắt đầu từ thế kỷ XIX. Liverpool thịnh vượng nhờ thương mại, một cảng lớn ở nước Anh trở thành thủ đô kinh tế của vùng Tây Bắc, trong khi Manchester làm giàu nhờ ngành công nghiệp dệt. Người Manchester nghĩ người Liverpool lười biếng, trong khi người Liverpool nghĩ người Manchester hôi hám bẩn thỉu.
Các doanh nhân ở Manchester khó chịu khi phải đóng phí rất đắt ở cảng Liverpool để được nhập khẩu/xuất khẩu hàng. Do vậy họ mua một mảnh đất rất rộng và xây kênh để tàu hàng đi qua Liverpool để đến thẳng Manchester. Con kênh được khánh thành năm 1893, khiến ngành cảng ở Liverpool mất nhiều việc làm, và nạn thất nghiệp dẫn tới sự thù ghét của người Liverpool dành cho Manchester.
Không khó để cảm nhận sự thù ghét đó truyền qua nhiều thế hệ như thế nào và tất yếu ảnh hưởng lên những cầu thủ sinh ra và lớn lên ở 2 thành phố. Kể cả trong kỷ nguyên Premier League khi ngoại binh ngày một nhiều, họ vẫn dễ dàng hiểu được sức ép từ CĐV đối thủ trên các khán đài và họ càng có động lực để “cho chúng nó im miệng”.
Liverpool đang trong giai đoạn hồi sinh trở lại thành thế lực cạnh tranh chức vô địch còn MU đã tụt dốc thành tích đáng kể sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Liệu MU có muốn nhìn Liverpool thống trị bóng đá Anh như những năm 1970-80? Chắc chắn không, và có thể tin rằng fan Liverpool cũng không muốn thấy MU hồi sinh trở lại.
Cách đây 30 năm Man City vẫn còn đang chật vật ở League One và phải thắng một trận playoff rất kịch tính để thăng hạng lên giải Championship. Khi các cầu thủ MU đang mải ăn mừng cú ăn ba lịch sử, hẳn họ sẽ tận dụng cơ hội đó để cười nhạo Liverpool, còn Man City thì đang ở một chân trời nào đó xa xăm không ai nhớ nổi.