Lứa cầu thủ sinh năm 1987 được coi là tài năng và nhận đầu tư rất lớn của CLB Thể Công ngày nào hiện nay không còn mấy người theo nghiệp bóng đá.
Năm 1967, CLB Thể Công đưa lứa cầu thủ mới 18 tuổi với những cái tên như Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Bùi Xuân Thêu… sang CHDCND Triều Tiên tập huấn trong thời gian 2 năm.
Khi trở về, hầu hết trong số đó đều thành danh và họ đã giúp Thể Công trở thành đội bóng bách chiến bách thắng ở sân cỏ quốc nội trong một thời gian rất dài.
40 năm sau, một kế hoạch tương tự được lập ra cũng với kỳ vọng sẽ đưa Thể Công đang chơi ở hạng dưới trở lại thời kỳ đỉnh cao. Lứa cầu thủ năng khiếu sinh năm 1987 được đầu tư mạnh mẽ với 20 con người lên đường tập huấn đầu năm 2006.
Không tiếc tiền đầu tư tìm lại hào quang quá khứ
Khi đó, đứng sau CLB Thể Công là tập đoàn Viettel. Tiền không phải là vấn đề và sự thật là lứa “Thể Công 87” nhận được đầu tư cực lớn với kế hoạch dài hơi.
Ban đầu, 20 cầu thủ qua tuyển chọn, dự kiến được đưa sang Bulgaria tập huấn 1 năm liên tục. Nhưng sau đó kế hoạch có sự thay đổi. Họ tập huấn tại nước Đông Âu trong 6 tháng, rồi trở về Việt Nam tiếp tục tập luyện trong 6 tháng tiếp theo.
Tại đây, họ hội quân cùng một số anh lớn trong đội như Phước Tứ, Khánh Lâm, Anh Tuấn… trước khi tiếp tục sang Đức tập huấn trong 6 tháng tiếp theo.
Như đã nói, tiền không phải là vấn đề với lứa cầu thủ này lúc bấy giờ. Bởi vậy, những điều kiện ăn ở, sân bãi tập luyện của “Thể Công 87” được cho vào loại tốt nhất lúc bấy giờ.
Thậm chí, một bức ảnh kỷ niệm của một số cầu thủ trên sân tập còn có cả bóng dáng của huyền thoại bóng đá Đức Oliver Kahn đang tập luyện phía xa.
Lãnh đạo đội bóng cũng như tập đoàn Viettel giờ không tiếc tiền chỉ với một mục tiêu duy nhất: lứa cầu thủ này sẽ đưa tượng đài của bóng đá Việt Nam trở lại với ánh hào quang quá khứ.
Người được giao trọng trách dẫn dắt những cầu thủ măng non này là HLV Thanh Hải – người đang giữ chức quyền phó giám đốc trung tâm thể thao Viettel.
Ông Hải “trắng” được coi là “cha đẻ” của lứa cầu thủ này với gần 2 năm trời dìu dắt các cầu thủ trẻ ở phương trời xa và trước đó là 4-5 năm chuẩn bị nhân sự cùng mọi thứ cho chuyến tập huấn.
Đây cũng là lứa cầu thủ đầu tiên đội bóng áo lính áp dụng quy chế chuyên nghiệp. Toàn bộ cầu thủ không còn ăn lương theo “lon”, cấp bậc. Họ được ký hợp đồng chuyên nghiệp với chế độ lương thưởng được quy định rõ ràng, chi tiết với từng cá nhân.
Lứa cầu thủ tài năng sớm nở chóng tàn
Mùa giải 2007, CLB Thể Công Viettel đặt mục tiêu thăng hạng và nhóm cầu thủ: Ngọc Duy, Minh Đức, Quang Vinh được đưa rút ngắn thời gian tập huấn để bổ sung nhân sự cho đội bóng, trước khi số cầu thủ còn lại góp mặt ít lâu.
Ngay mùa giải đầu tiên, các học trò của ông Hải đã không gây thất vọng. Ngọc Duy được coi là linh hồn đội bóng với “kèo” trái cực kỳ khéo léo và nhanh nhẹn. Trịnh Quang Vinh trở thành vua phá lưới của giải hạng Nhất 2007.
Ở hàng thủ, Phạm Minh Đức nhanh chóng được ví như “Như Thành đệ nhị”. Cùng với đó là hàng loạt những cái tên mà bất kể đội bóng V.League nào cũng phải thèm muốn như Quốc Long, Duy Linh, Công Huy…
Sự chững chạc, trưởng thành trên sân bóng của những cầu thủ mới chập chững bước sang tuổi 20 không khiến HLV Thanh Hải khi đó bất ngờ. “Họ đã được trang bị tất cả, để làm người và làm cầu thủ”, ông nhẹ nhàng nói về những trò cưng.
Thậm chí, cựu cầu thủ này còn khẳng định tiềm năng của lứa “Thể Công 87” vẫn chưa được phát huy tối đa. Ông kể, tại Bulgaria và Đức, đội bóng của ông được chuẩn bị cho lối chơi tấn công đa dạng, hiện đại trong khi đó HLV Galhidi lại xây dựng lối đá phòng ngự phản công điển hình.
Việc sắp xếp chiến thuật “trái kèo” khiến nhiều cầu thủ không phát huy tối đa khả năng, thậm chí còn cảm thấy khó đá. Điển hình nhất trong số đó, chỉ sau 1 mùa giải thăng hoa, Trịnh Quang Vinh dần đánh mất phong độ và “thất sủng”.
Trước đó, chân sút này được đánh giá là một trong ba cái tên xuất sắc của lứa cầu thủ trẻ dưới tay ông Hải. Vinh “cụt” có khả năng bùng nổ, xoay chuyển thế trận ở những thời điểm khó khăn.
Không những vậy, anh còn có thể lùi sâu, đóng trong vai trò người tổ chức, cầm bóng, chuyền bóng, kiến tạo cơ hội. Quang Vinh được coi là người đa năng và cũng là “bài tẩy” trong tay HLV Thanh Hải.
Việc sắp xếp chiến thuật là một phần khiến lứa cầu thủ tài năng này không thể hiện được khả năng. Một phần khác lại đến từ việc cưng chiều những cầu thủ con cưng của lãnh đạo đội bóng.
Sau này, khi Thể Công đã bị cất tên vào tủ kính, nhiều lời khẳng định từ giới chuyên môn rằng chính vì sự cưng chiều quá mức đã khiến những tài năng ngày nào bị sốc và dần đánh mất mình.
Với những người am hiểu bóng đá Việt thời kỳ 2008-2010, bữa ăn của cầu thủ Thể Công luôn khiến các đồng nghiệp phải thèm thuồng. Thậm chí, nói họ không dám mơ cũng đúng.
Để có hình dung rõ hơn, trong giới hâm mộ đồn thổi rằng đội ngũ hậu cần không thể nấu ăn với đúng số tiền được cấp vì nó quá cao. Dù mỗi bữa đều là sơn hào hải vị. Thịt gà khi đó chỉ được xếp vào dạng món ăn tầm trung với cầu thủ Thể Công.
Cũng có câu chuyện kể rằng, số tiền ăn thừa lại sau mỗi tuần được cả đội gom góp và “tự cải thiện” ở một nhà hang hạng sang trong phố cổ với mức giá không phải hạng xoàng.
Với những cầu thủ còn rất trẻ, lại được đưa đi tập huấn theo dạng “khép kín” dài hạn. Ngay khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp đã được chăm sóc tận răng, đãi ngộ cực khủng thì việc họ không giữ được đôi chân thăng bằng cũng là điều dễ hiểu.
Kết quả, Thể Công thi đấu bết bát ở V.League 2008 và ngay khi mùa giải kết thúc với màn “hút chết” của đội bóng, Bộ Quốc phòng đã quyết định cất cái tên Thể Công và chuyển giao đội về Thanh Hóa.
Khi đó, nhóm cầu thủ Ngọc Duy, Minh Đức, Quốc Long… không phục với quyết định này và dứt áo ra đi. Trong khi đó, một số cầu thủ đàn anh do đang là quân nhân nên chấp nhận đến Thanh Hóa thi đấu theo dạng biệt phái trong 1 năm rồi… ra quân. Một số khác, chấp nhận với sắp xếp để đến với đội bóng mới.
Từ đây, lứa Thể Công 1987 bắt đầu quá trình đi xuống khi mỗi người có lựa chọn riêng cho mình. Nhiều người trong số đó giã từ sự nghiệp chỉ vài mùa giải sau đó. Số khác, dần đánh mất phong độ và cũng tìm hướng đi mới.
Còn lại gì sau 10 năm chơi chuyên nghiệp
Lần lượt những “viên ngọc thô” dần trở thành những cậu bé không bao giờ lớn do nhiều vấn đề phức tạp của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời điểm đó.
Trung vệ Phạm Minh Đức – người được kỳ vọng sẽ thay thế xứng đáng cho Như Thành nơi hàng thủ, được nghiễm nhiên cất nhắc cho chiến dịch SEA Games 2009 sau thành công tại Merdeka Cup trước đó.
Đó là tất cả những gì chàng trai Hà thành đạt tới, trước khi mải mê đi tìm hình bóng chính mình bằng 2 lần bén duyên với đất Thủ Dầu Một.
Phải nói thêm rằng, ở lần thứ 4 dẫn dắt Bình Dương hồi tháng 9/2011, HLV Lê Thụy Hải đã làm mọi cách để có được chữ ký của Minh Đức. Nhưng từng đó là không đủ để anh có thể trở lại với chính mình.
Cả 2 giai đoạn Minh Đức khoác áo Bình Dương, đội bóng này đều gặp những vấn đề khá lớn và nó không chỉ khiến anh phải vật lộn tìm chỗ đứng. Những đồng đội của anh từng được trải thảm đỏ mời về như Quang Vinh, Công Huy, cũng không khá khẩm hơn.
Sau đó, Công Huy, Minh Đức lần lượt nói lời chia tay bóng đá đỉnh cao để rẽ sang lối đi mới, để lại không ít sự tiếc nuối về những tài năng hiếm có nhưng không thể phát triển.
Thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 cầu thủ “Thể Công 87” còn gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp. Cả 3 cầu thủ Ngọc Duy, Quốc Long Và Trịnh Quang Vinh đang cùng khoác áo CLB Sài Gòn.
Ngọc Duy có lẽ là cầu thủ thành công nhất lứa cầu thủ này. Anh đang đeo băng đội trưởng CLB Sài Gòn kiêm HLV phó đội bóng này với tầm ảnh hưởng được cho là rất lớn.
Trước đó, anh cũng từng được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam và có đóng góp không nhỏ cho những thành tích của CLB Hà Nội T&T trước khi chia tay đội bóng thủ đô.
Hậu vệ Quốc Long cũng thành công không kém khi liên tục là người đồng hành với người bạn thân trong suốt 10 năm qua. Ngay cả khi lên tập trung đội tuyển, Quốc Long cũng song hành cùng Ngọc Duy.
Người còn lại, Trịnh Quang Vinh đã bước qua thời kỳ đỉnh cao với bao tiếc nuối về một chân sút dứt điểm tốt, chọn vị trí nhạy cảm và cực kỳ son bóng ngày nào.