Sở hữu nhiều ngôi sao của bóng đá nội, đoàn quân của HLV Alfred Riedl khiến cả châu Á bất ngờ khi giành quyền vào tứ kết ngay lần đầu tiên tham dự giải.
Thủ môn Dương Hồng Sơn:
Sau thành công tại Asian Cup 2007, Dương Hồng Sơn tiếp tục là lựa chọn số một trong khung thành đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008 và thi đấu chói sáng, mang về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho bóng đá nước nhà. Năm đó, anh cũng ẵm luôn cú đúp danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải đấu và Quả bóng vàng Việt Nam. Ở cấp độ CLB, những thành công bắt đầu tới khi anh chuyển sang thi đấu cho CLB Hà Nội từ năm 2008. Trong 8 mùa bóng tại đây, thủ thành này có 1 Siêu cúp quốc gia, 3 chức vô địch V.League cùng 4 lần về nhì. Mùa giải 2016, Hồng Sơn quyết định giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện tại lò đào tạo trẻ CLB Hà Nội.
Hậu vệ phải Huỳnh Quang Thanh:
Bàn thắng của Quang Thanh trước UAE sẽ mãi được người hâm mộ ghi nhớ như một trong những bàn thắng lịch sử của bóng đá nước nhà. Sau giải đấu năm đó, anh tiếp tục phong độ ấn tượng và là lựa chọn số một bên hành lang trái của HLV Calisto trong hành trình chạm tay vào chiếc cúp vàng Đông Nam Á. Hiện tại, cầu thủ này vẫn khoác áo CLB Long An tại giải hạng Nhất quốc gia sau khi mãn án treo giò một năm bởi những lùm xùm trên sân Thống Nhất hồi tháng 2/2017.
Trung vệ Vũ Như Thành:
Là một trong những trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam, thế nhưng sự nghiệp của Như Thành lại khá lận đận. Sau những thành công liên tiếp trong giai đoạn 2007-2009, phong độ của cầu thủ này bắt đầu tụt dốc không phanh.Trong nỗ lực tìm lại hình ảnh của một lá chắn thép ngày nào, anh đã phải phiêu bạt tới nhiều đội bóng khác nhau nhưng đều không thành công. Tới mùa giải 2017, Như Thành quyết định quay về Hà Nội đầu quân cho CLB Phù Đổng và sẽ cùng đội bóng này tranh tài tại giải hạng Nhất quốc gia ở mùa giải tới.
Trung vệ Nguyễn Huy Hoàng:
Sở hữu lối chơi dũng mãnh, không ngại va chạm cùng tư chất thủ lĩnh bẩm sinh, Huy Hoàng từng mang trên vai hy vọng lớn lao của khán giả về lá chắn thép phía trước khung thành đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, lối đá quyết liệt có phần thái quá của cầu thủ này cùng liên tiếp những rắc rối sau hậu trường khiến Huy Hoàng chưa bao giờ đạt tới kỳ vọng của người hâm mộ. Sau khi chia tay sân cỏ, cựu tuyển thủ đội tuyển Việt Nam hiện là HLV tại lò đào trẻ CLB Sông Lam Nghệ An.
Hậu vệ trái Phùng Văn Nhiên:
Trái với phần lớn đồng đội trong danh sách này, Asian Cup 2007 có lẽ là nốt thăng hiếm hoi trong cuộc đời trầm lặng của Văn Nhiên. Sau giải đấu năm đó, anh chuyển sang thi đấu cho HAGL và rồi là Hải Phòng trước khi giải nghệ vào cuối mùa giải 2017 ở tuổi 35.
Tiền vệ trung tâm Nguyễn Minh Phương:
Minh Phương chính là một trong những tiền vệ hay nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh với những đường chuyền chính xác cùng khả năng tung ra những cú sút phạt thần sầu, mà bàn thắng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 chính là ví dụ điển hình. Xuất sắc là thế, nhưng trên băng ghế huấn luyện, anh chưa cho thấy tài năng tương xứng. Sau khi xuống hạng cùng CLB Long An ở mùa giải 2017, Minh Phương xin từ chức trước khi nhận lời dẫn dắt CLB Đà Nẵng. Dẫu vậy, thành tích nghèo nàn của đội bóng sông Hàn cũng khiến cựu tiền vệ đội tuyển Việt Nam sớm “bay ghế” sau kết thúc mùa giải 2018.
Tiền vệ trung tâm Nguyễn Vũ Phong:
Sở hữu những bước chạy xé gió cùng những đường chuyền chuẩn xác và khả năng thi đấu tốt ở nhiều vị trí, “đứa con thần gió” Nguyễn Vũ Phong luôn là lựa chọn ưa thích của các đời HLV đội tuyển Việt Nam. Anh khoác áo đội tuyển quốc gia trong 8 năm với 46 lần ra sân, ghi được 7 bàn thắng và có được 1 danh hiệu, đó là chức vô địch AFF Cup 2008. Năm 2014, anh chia tay đội tuyển quốc gia. Ba năm sau, cầu thủ này giải nghệ trong màu áo CLB Đà Nẵng và gia nhập ban huấn luyện đội bóng sông Hàn.
Tiền vệ cánh Phan Văn Tài Em:
Không sở hữu những đường chuyền như Minh Phương, cũng chẳng có những bước chạy xé gió như Vũ Phong, nhưng Tài Em luôn là nhân tố không thể thiếu của đội tuyển Việt Nam nhờ sự mẫn cán cùng tinh thần thi đấu chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đó giúp Tài Em thi đấu tới năm 35 tuổi, độ tuổi xưa nay hiếm của bóng đá Việt Nam trước khi quyết định giải nghệ và trở thành HLV của CLB Sài Gòn. Nhưng cũng giống như Minh Phương, Tài Em hiện rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi bị đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Giang Đông thanh lý hợp đồng mùa giải trước.
Tiền vệ cánh Lê Tấn Tài:
Cũng giống như Tài Em, Tấn Tài không sở hữu những phẩm chất đặc biệt mà chính sự miệt mài, cầu thị cùng tinh thần tập luyện chuyên nghiệp đã giúp cho Tấn Tài có được ngày hôm nay. Ở tuổi 35, Tấn Tài vẫn đang tung hoành trên khắp các sân cỏ Việt Nam trong màu áo CLB Bình Dương và là cầu nối quan trọng trong quá trình trẻ hóa đội hình của đội bóng đất Thủ.
Tiền đạo Phan Thanh Bình:
Phan Thanh Bình là người được kỳ vọng thay thế vị trí mà Quyến “béo” để lại. Thực tế, anh chơi rất hay tại Asian Cup 2007 và đóng góp một bàn thắng nhưng rồi gần như mất tích hoàn toàn những năm sau đó. Tiền đạo gốc Đồng Tháp không thể phát triển đúng với kỳ vọng và phải phiêu bạt tại nhiều đội bóng khác nhau trước khi cập bến Mancons Saigon mùa giải 2016. Hiện tại, Bình “củi” là cầu thủ kiêm HLV của đội bóng hạng Nhì này.
Tiền đạo Lê Công Vinh:
Giải đấu năm đó, Công Vinh là niềm hy vọng số một của đội tuyển Việt Nam. Và ngay trận ra quân, anh đã đáp lại kỳ vọng bằng bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 cho đội tuyển Việt Nam trước UAE. Sau giải đấu đó, anh tiếp tục đi vào lịch sử với cú đánh đầu ở những phút cuối trận chung kết lượt về, mang lại chức vô địch AFF Cup đầu tiên cho bóng đá Việt Nam. Sau thất bại tại AFF Cup 2016, CV9 tuyên bố giải nghệ. Hiện tại, anh là Chủ tịch điều hành của CLB Bà Rịa – Vũng Tàu, đội bóng thi đấu tại giải hạng Nhì quốc gia.