Top 6 ngôi sao châu Á đang thi đấu thành công ở Bundesliga, Văn Hậu đứng trước cơ hội trở thành người thứ 7

Từ Ahn Jung Hwan đến Heung Min-Son, đã có rất nhiều ngôi sao hàng đầu của bóng đá châu Á tạo dấu ấn ở Bundesliga. Lối chơi thiên về kĩ thuật và đầu óc thay vì sức mạnh của giải đấu hàng đầu châu Âu này là yếu tố quan trọng giúp thu hút hàng loạt cầu thủ châu Á (đặc biệt là Đông Á) thi đấu tại đây.

Shinji Kagawa: Nhạc trưởng của bóng đá châu Á

Đầu tiên, không thể không nhắc tới Shinji Kagawa. Ra mắt Bundesliga vào năm 2010, Kagawa vẫn luôn là một tiền vệ công hàng đầu giải đấu trong nhiều năm trở lại đây. Nổi bật với kĩ thuật, những đường chuyền sáng tạo, sự kỷ luật, di chuyển thông minh, anh thường xuyên là người dẫn dắt lối chơi cho đội bóng.

Kagawa luôn biết cách chọn vị trí hợp lí và bình tĩnh đưa ra những đường chọc khe sắc bén hoặc thậm chí là ghi bàn. Khả năng đi bóng và sự nhanh nhẹn giúp anh có thể thi đấu ở cả hai bên cánh. Trong ba năm đầu ở Bundesliga, Kagawa ghi được 21 bàn và có 9 đường kiến tạo.

Ảnh Internet

Những màn trình diễn ấn tượng đó giúp anh nhận được lời mời của Man United. Tuy vậy, sau hai mùa giải không thành công ở xứ sở sương mù, anh trở lại Bundesliga và một lần nữa trở thành trụ cột trong lối chơi của Dortmund.

Với Kagawa, Dortmund là một nơi đặc biệt – ‘Đây là gia đình của tôi. Tôi tự hào khi CLB vẫn không quên mình, và thật tuyệt khi lại có thể ở đây lần nữa’. Để cạnh tranh cho một suất đá chính ở Dortmund hiện tại với hàng loạt cầu thủ trẻ như Bruun Larsen, Jadon Sancho, Wolf hay Phillip là không hề dễ dàng, nhưng chưa bao giờ Kagawa bỏ cuộc trước mối lương duyên Dortmund.

Yuya Osako: Tỏa sáng đúng thời điểm

Tiền đạo của đội tuyển Nhật Bản, người đã ghi bàn trong trận đấu đầu tiên của họ tại World Cup 2018 cũng là một gương mặt quen thuộc ở Bundesliga. Sau 5 mùa giải chơi bóng ở Nhật Bản cho Kashima Antlers và nửa mùa giải đầy biến động ở đội bóng hạng dưới 1860 Munich, Osako đã được tận hưởng bầu không khi sôi động của giải đấu số 1 nước Đức. Sau 5 mùa giải cho Cologne, anh đã đá 108 trận và ghi 15 bàn. Mùa hè vừa qua, Osako đã bước sang trang mới trong sự nghiệp khi chuyển đến Werder Bremen.

Đây là đội bóng từng tạo tiếng vang tại Nhật Bản vào thập niên 80 khi sở hữu tiền vệ Yasuhiko Okudera, một cầu thủ thuộc thế hệ đầu của bóng đá Nhật Bản đã tạo nên dấu ấn đậm nét tại trời Âu. Lối chơi của Osako có thể nói là rất khác biệt so với các tiền đạo Nhật Bản khác. Chơi ở vị trí hộ công, anh cũng có những tố chất tiêu biểu để đảm nhận vai trò của một số 10: Giữ bóng chắc, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, rê dắt khéo léo, khả năng chuyền bóng và phối hợp đồng đội tốt.

Ảnh Internet

Một chi tiết vui – những màn trình diễn của Osako thường được ngợi ca bằng cụm từ ‘hampanai’ hay nhấn mạnh hơn là ‘hampanaitte’ trong tiếng Nhật, có nghĩa là ‘tuyệt vời’, ‘phi thường’. Cụm từ này được gắn liền với tiền đạo người Nhật Bản từ một trận đấu thời trung học hơn mười năm trước – từ những lời nghẹn ngào xúc động và thán phục của đối thủ trên sóng truyền hình.

Những phẩm chất ấn tượng trên cùng với bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 cho Nhật Bản trước Colombia tại World Cup 2018 đã giúp anh chiếm trọn cảm tình của khán giả nước nhà, với những tiếng ‘hampanaitte’ hô vang khắp Nhật Bản. Có lẽ sẽ lại sớm có một ngày Osako được gắn với một từ ngợi ca nào đó tại nước Đức chăng?

Makoto Hasebe: Triết gia của đội tuyển Nhật Bản

11 mùa giải, hơn 250 trận đấu tại Bundesliga kể từ khi gia nhập Wolfsburg năm 2008, không hề quá khi nói Bundesliga là cuộc đời và sự nghiệp của Makoto Hasebe. Đội trưởng đội tuyển Nhật Bản và huyền thoại của Frankfurt đã trải qua một sự nghiệp lẫy lừng, tuy vậy, mọi thứ bắt đầu với anh không hề dễ dàng.

Không như những ngôi sao khác, Hasebe không có những kỹ năng nổi bật từ thuở nhỏ và rất dễ bị bỏ qua. Thậm chí, anh còn nhọc nhằn để chen chân lên ghế dự bị ở đội bóng trường trung học Fujieda Higashi. Đồng đội chỉ nhớ tới anh như là người kẻ vạch sân đẹp nhất.

Ảnh Internet

Nhưng đó là công việc đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và ổn định. Khá giống với trường hợp của Gabi Fernandez (cầu thủ người Tây Ban Nha), những phẩm chất không được chú ý này là chìa khóa giúp anh dần vươn lên trong sự nghiệp và trở thành cầu thủ hàng đầu của bóng đá Nhật Bản. Liệu còn ví dụ nào về sự ổn định tốt hơn một cầu thủ đã khẳng định được tài năng của mình trong hơn 10 năm qua ở Bundesliga?

Thi đấu máu lửa trên sân nhưng Hasebe luôn dẫn dắt các đồng đội bằng sự điềm tĩnh và tình anh em thân thiết. Ít ai biết rằng ngoài những giờ luyện tập và thi đấu, anh còn đọc triết học Nietzsche; và vào năm 2011 anh đã xuất bản cuốn sách đầy triết lí có tên “Trật tự trong tâm hồn”. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta luôn thấy đội tuyển Nhật Bản thi đấu với sự đoàn kết, điềm tĩnh và kỷ luật. Thật may mắn cho họ khi có một người đội trưởng như vậy.

Koo Ja Cheol: Người mang Bundesliga đến xứ sở Kimchi

Giống như Makoto Hasebe, Koo Ja Cheol cũng khởi đầu cuộc sống ở Bundesliga tại Wolfsburg. Anh luôn cho thấy nghị lực và khát khao để vượt qua quãng thời gian khởi đầu đầy khó khăn ở trời Âu. Và khi đã thích nghi với cuộc sống ở vùng đất lạ, sự nghiệp của anh thăng tiến nhanh chóng. Sau khi gia nhập Augsburg vào mùa hè 2015, anh nhanh chóng trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử đội bóng lập hattrick trong một trận đấu tại Bundesliga với màn trình diễn xuất thần trước Leverkusen.

Thường xuyên thi đấu ở vị trí tiền vệ công và đôi khi là chếch sang cánh phải, Koo Ja Cheol sở hữu những kỹ năng ấn tượng. Những đường chuyền sắc như dao cạo và khả năng kiểm soát bóng trong phạm vi hẹp là hai điểm mạnh nhất của anh.

Ảnh Internet

Ngoài ra, anh còn sở hữu những cú sút sấm sét và luôn là một mối đe dọa từ xa đối với khung thành đối phương. Không những thế, Koo Ja Cheol luôn sẵn sàng xộc thẳng vào vòng cấm và ghi bàn trước sự ngỡ ngàng của hàng thủ đối phương, tiêu biểu nhất chính là cú hattrick vào lưới Leverkusen, và trận đấu đó đã làm cho tên tuổi của anh càng nổi bật hơn ở Hàn Quốc.

Koo cũng góp công lớn để mang bóng đá Đức đến gần hơn với những người hâm mộ ở quê nhà. “Khi tôi mới đến Augsburg, thật sự chẳng có ai biết đến đội bóng này. Nhưng bây giờ thì kể cả nhân viên thu ngân ở những siêu thị gần nhà tôi ở Hàn Quốc cũng có thể phát âm chính xác từ “Augsburg”, anh hào hứng nói.

Genki Haraguchi: Cơn gió phương Đông

Cái tên tiếp theo sẽ là Genki Haraguchi, một người Nhật khác đã ghi bàn ở World Cup 2018. Đó là một bàn thắng hết sức ấn tượng. Nhận đường chọc khe siêu hạng của Shibasaki, Haraguchi lao lên bằng tốc độ khủng khiếp, vượt qua Jan Vertonghen và lạnh lùng dứt điểm chéo góc đánh bại nốt thủ thành Thibaut Courtois, đưa người Bỉ vào cơn hoảng loạn thực sự.

Haraguchi sớm nổi lên khi còn rất trẻ trong màu áo Urawa Reds và được gọi vào đội tuyển quốc gia lúc mới bước sang tuổi 20. Năm 2014, anh bắt đầu hành trình ở Đức của mình trong màu áo Hertha Berlin. Sau 3 mùa giải ở đây rồi 1 mùa giải được cho mượn ở Fortuna Dusseldorf và giúp đội bóng này lên chơi ở Bundesliga, anh đã chuyển tới Hannover mùa hè vừa qua.

Ảnh Internet

Là một tiền đạo cánh nhưng thường di chuyển vào trong hoặc bó vào trung lộ, anh có thể đá ở vị trí hộ công hay thậm chí là tiền vệ trung tâm. Haraguchi có nền tảng thể lực dồi dào, khả năng chuyền bóng ấn tượng, sự bùng nổ và khéo léo giúp anh dễ dàng đi bóng qua những cầu thủ đối phương.

Từng bị chỉ trích vì thái độ thì đấu hời hợt, anh đã học được cách hy sinh vì động đội, tham gia phòng ngự và nỗ lực không biết mệt mỏi kể từ khi chuyển đến Bundesliga.

Tinh thần đồng đội, sự chăm chỉ và kỷ luật vẫn luôn là những điểm chung với bóng đá Đức giúp người châu Á thành công tại Bundesliga. Sự phù hợp về triết lý bóng đá cũng như phong cách sống đã dẫn tới làn sóng cầu thủ châu Á đến Đức ngày một tăng lên. Các sao mai của bóng đá châu Á ở Bundesliga hứa hẹn sẽ là những ngôi sao quốc tế trong tương lai.

Yuya Kubo: Messi xứ Phù Tang

Cái tên cuối cùng được nhắc đến là Yuya Kubo. Với những màn thể hiện ấn tượng trong màu áo đội tuyển trong mùa giải 2016/17, Kubo đã vươn lên trở thành một trong những cái tên nổi bật nhất của xứ sở hoa anh đào. Từ khi còn là học sinh, anh đã tỏa sáng trong màu áo Kyoto Sanga FC và nhanh chóng cập bến trời Âu để đầu quân cho Young Boys của Thụy Sĩ.

39 bàn thắng và 15 đường kiến tạo sau 137 lần ra sân tại đây là quá đủ để anh lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên của KAA Gent (Bỉ). Sau 4 năm ở Thụy Sĩ, anh chuyển sang Bỉ và ngày càng thi đấu ấn tượng hơn trong màu áo De Buffalo’s.

Ảnh Internet

Kubo chỉ vừa mới chân ráo đến với Bundesliga thông qua bản hợp đồng cho mượn ở Nuremberg từ Gent. Vẫn còn là một viên ngọc thô cần được mài giũa, có thể nói lối chơi dựa nhiều vào chuyền bóng và di chuyển, phối hợp đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của Kubo. Là một cầu thủ toàn diện và có thể chơi ở mọi vị trí tấn cô.ng ở hàng tiền vệ và tiền đạo, anh có thể đi bóng lắt léo qua vài cầu thủ đối phương và ngay lập tức tung ra những cú sút sấm sét bằng cả hai chân.

Lối chơi bùng nổ khiến anh được tờ Sportsmagazine của Bỉ gọi là “Quả bom Sushi”. Ngoài ra, một điểm mạnh nữa của Kubo là khả năng dứt điểm chính xác, kể cả từ chấm đá phạt. Với việc biết tiếng Đức và sống ở một môi trường tương đồng là Bỉ, Kubo được kỳ vọng sẽ hòa nhập nhanh chóng với một nền bóng đá vốn e dè với các cầu thủ đến từ những nền văn hóa khác.

Kết

Tinh thần đồng đội, sự chăm chỉ và kỷ luật vẫn luôn là những điểm chung với bóng đá Đức giúp người châu Á thành công tại Bundesliga. Sự phù hợp về triết lý bóng đá cũng như phong cách sống đã dẫn tới làn sóng cầu thủ châu Á đến Đức ngày một tăng lên. Các sao mai của bóng đá châu Á ở Bundesliga hứa hẹn sẽ là những ngôi sao quốc tế trong tương lai.

Bài liên quan